Chàng trai 9x Ngô Minh Văn – CEO của Công ty TNHH Chả Lụa Hai Lúa bỏ nghề công an để theo nghề truyền thống 40 năm của gia đình, đã nhận 1 tỷ đồng vốn đầu tư từ Shark Hồng Anh.
Trong tập 13 của chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ, Ngô Minh Văn xuất hiện trong bộ áo bà ba giản dị. Nhà sáng lập Công ty TNHH Chả Lụa Hai Lúa thu hút các nhà đầu tư ngay từ câu hò mở màn đầy ngọt ngào. Anh đi cùng cậu của mình là Nguyễn Hữu Tài và mẹ là Trương Thị Cẩm Hường đến tham gia chương trình.
Founder sinh năm 1992 cho biết, cậu của anh là người chịu trách nhiệm sản xuất, mẹ là người chuyên nêm nếm cho sản phẩm chả lụa, giò thủ, chả chiên… Sau khi nếm thử chả lụa của Hai Lúa thì các Shark đều tỏ ra khá thích.
Anh cũng cho biết, thịt heo được sử dụng là thịt heo theo tiêu chuẩn VietGap, sau khi được mua về thịt sẽ được bảo quản trong tủ lạnh ngăn mát. Với 10 kg thịt cộng 1 kg mỡ, 1 kg gân thì cho ra 11 kg chả.
Chả lụa Hai Lúa đã được Shark Đặng Hồng Anh cam kết đầu tư 1 tỷ đồng, đổi lấy 36% cổ phần công ty. Để lên được trên sóng truyền hình, founder Minh Văn đã vượt qua đoạn đường dài.
Các Shark nếm thử chả lụa Hai Lúa.
Nhọc nhằn con đường khởi nghiệp
Nghề làm chả lụa của gia đình Minh Văn bắt nguồn từ bà ngoại. Sau đó, cậu và mẹ của Minh Văn tiếp tục truyền thống của gia đình. Minh Văn luôn trăn trở: “Một ngày nào đó, khi cậu và mẹ em không còn làm nổi nữa thì nghề truyền thống sẽ mất đi”.
Thấy được điều đó, Văn quyết định xin nghỉ việc sau 2 năm làm trong ngành công an để nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, điều đó rất khó với Văn. Văn tâm sự: “Khi khởi nghiệp, cả gia đình tôi không ủng hộ. Cả phía nội và ngoại đều nói tôi xạo và nổ. Mọi người đều nói công việc đang ổn định lại bỏ”.
Văn cho biết, cha của anh làm trong quân đội, ông rất nghiêm khắc với con và muốn con đi làm ngành công an. Ông rất kiên quyết và coi việc buôn bán là thuộc về phụ nữ.
Trước khi về nối nghiệp gia đình, chàng trai sinh năm 1992 này đã từng thử qua rất nhiều việc, cũng từng khởi nghiệp với bất động sản và điện thoại nhưng không thành. “Tôi từng đi bán điện thoại, thời gian đầu thì tạm ổn nhưng sau đó các chuỗi phát triển mạnh quá. Tiệm nhỏ lẻ không sống nổi và thua lỗ.”, Văn nhớ lại.
Chả lụa, giò thủ Hai Lúa.
Sau đó anh vào làm trong ngành công an. “Công an là ngành ổn định rồi, tôi lại bỏ nữa, để nối nghiệp gia đình, nên sự phản đối rất mạnh mẽ.”, Văn kể.
Rồi một ngày trước khi lên sóng truyền hình, có người vẫn bảo Văn: “Mày xạo, nổ quá chứ ai đầu tư”. Nhưng Văn nghĩ rằng, bản thân mình sẽ chứng minh những điều ngược lại.
Mặc dù trước đó quyết định của Văn vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối nhưng khi cả gia đình thấy Văn lên sóng truyền hình, mọi người đã tin tưởng hơn. “Ba mừng và không còn cản trở gì nữa. Mẹ tôi vui lắm. Tôi thấy mẹ cười khi mọi người đến chúc mừng và vui lây.”, Văn nói.
Theo chia sẻ của founder Chả lụa Hai Lúa, quá trình DD đã diễn ra hơn 10 ngày. Phía Hai Lúa và team của Shark Hồng Anh đã gặp nhau 3 lần. Hiện tại, Văn cùng người cậu và một thợ chính là 3 nhân lực chính để làm chả.
“Mình lớn lên từ món ăn dân dã, tại sao không phát huy…?”
Tính đến nay, Chả lụa Hai Lúa đã có 3 cơ sở, trong đó cơ sở ở quận 5 theo lời của Văn là “hoành tráng” nhất. Tuy nhiên, cơ ngơi hiện tại theo lời của founder 9x, mới chỉ là ở giai đoạn bắt đầu. Anh sẽ phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng thương hiệu chả lụa của gia đình.
Trước khi lên Shark Tank, doanh nghiệp của anh chỉ bán khoảng 20 kg chả/ngày, giờ con số đã tăng lên 100 kg. Văn có thuê thêm dịch vụ trực hotline và làm marketing nhưng theo hình thức “outsource”, mỗi tháng trả tiền thuê vài triệu đồng.
Chàng trai trẻ luôn cảm thấy rất may mắn vì gia đình có nền tảng làm nghề. Tuy nhiên, theo anh, nếu không có sự nỗ lực thì khó có thể làm được gì.
“Tôi may mắn vì được sinh ra trong gia đình truyền thống. Mình có nền tảng rồi. Đừng vác ba lô đi và đánh rơi nghề truyền thống của gia đình.”, Văn nói.
Doanh nhân 9x kể, có nhiều người bạn của anh có gia đình trồng cao su, thanh long hay cà phê nhưng các bạn ấy vẫn thích đi làm IT, làm nhân viên văn phòng… Tùy quan điểm của mỗi người, bản thân Văn thấy làm vậy thật lãng phí.
Chả lụa Hai Lúa hiện đã có 3 địa điểm kinh doanh.
Văn chia sẻ: “Tôi rất nể bạn founder của Dấm gạo Thủy Tâm. Bạn ấy là du học sinh và đã quay trở về làm dấm gạo, tiếp nối nghề của mẹ. Bạn ấy truyền cảm hứng cho tôi. Không phải cứ buôn gánh bán bưng là không thành công. Mình lớn lên từ món ăn dân dã, tại sao không phát huy…?”.
Khi nói chuyện, founder Hai Lúa hay nhắc đến mẹ mình. Cả những lần anh bị thương khi làm nhiệm vụ, cả những lúc khởi nghiệp… bà đều là người hết lòng vì con cái. “Mẹ tôi thích đi du lịch lắm nhưng điều kiện chưa cho phép. Tôi muốn bù đắp lại giá trị tinh thần cho mẹ bằng những chuyến du lịch.”, anh tâm sự.
Và để làm được điều đó, Văn cho rằng, anh phải xây dựng thương hiệu truyền thống gia đình mạnh lên. Những giấc mơ đem lên kệ siêu thị hay xuất khẩu nước ngoài… vẫn đang chờ Văn phía trước.